Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã nêu 4 trụ cột chính để TP Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực và quốc tế.
Tối 8/1, tại huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã diễn ra lễ công bố Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, rất vui được tham dự sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt này, bởi lần đầu tiên một huyện đảo đã phát triển trở thành phố.
“Đây cũng là bước ngoặt để Phú Quốc trở thành viên ngọc quý và thịnh vượng, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế độc đáo, chất lượng, thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, thân thiện với môi trường, trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và của cả nước” - Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nói.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua Phú Quốc đã có bước phát triển vượt bậc, từ một huyện đảo với điều kiện khó khăn, cách biệt với đất liền, đến nay đã có sân bay, cảng biển quốc tế, đường điện cáp ngầm 110kVA và cáp nổi 220kVA cấp điện từ đất liền... giúp kết nối với mọi miền trên cả nước, quốc tế và mang nguồn năng lượng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Phú Quốc.
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ngày nay, Phú Quốc đã thật sự phát triển với dáng dấp, hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động, được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP |
"Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh trên địa bàn Phú Quốc thời gian qua đã đặt ra những yêu cầu mới, cần thiết phải có một bộ máy chính quyền đô thị có trình độ, phát triển cao, hiện đại, đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.
Vì vậy, việc Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ là xu thế tất yếu mà còn góp phần rất lớn vào việc ổn định, phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng ở các khu vực trọng điểm phía Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
4 trụ cột đưa TP Phú Quốc thành trung tâm khu vực và quốc tế
Vẫn theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, điều kiện, tiềm năng và phát triển của Phú Quốc là vô cùng lớn. Song, bên cạnh đó Phú Quốc cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Phú Quốc tiếp tục nắm bắt cơ hội, khai thác tối đa lợi thế sẵn có, nguồn lực nội tại, tranh thủ thời cơ, đoàn kết nhất trí, xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố thông minh, phát triển nhanh và bền vững, hiện đại, văn minh, cùng với TP Rạch Giá và Hà Tiên trở thành 3 trụ cột trong phát triển kinh tế của Kiên Giang và vùng ĐBSCL.
Người dân theo dõi màn bắn pháo hoa nghệ thuật chào mừng thành lập thành phố Phú Quốc |
Để làm được điều đó, Phú Quốc cần tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.
Chú trọng công tác quy hoạch, cần tầm nhìn quy hoạch từ 50 năm trở lên, đáp ứng nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài; đồng thời tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm sử dụng hiệu quả đất đai và bố trí quỹ đất cho từng giai đoạn phát triển của Phú Quốc.
Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển Phú Quốc. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu dịch vụ, nhưng phải giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường, các giá trị văn hoá truyền thống của Phú Quốc, nhất là bảo vệ hệ sinh thái biển; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại môi trường...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ để TP Phú Quốc có thể phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội.
“Trước mắt, cần sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá cho TP Phú Quốc như mô hình chính quyền đô thị đặc thù biển đảo và cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực và quốc tế với 4 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển”, lời Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.
Theo Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội thành lập TP Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
TP Phú Quốc giáp TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương; vịnh Thái Lan và Campuchia. Hai phường thuộc TP Phú Quốc được thành lập là Dương Đông và An Thới.
Như vậy, TP Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường An Thới, Dương Đông và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.
Thiện Chí