Trong Quy hoạch đảo Phú Quốc đến năm 2020 đã xác định, Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái đảo; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ của vùng, cả nước, khu vực và quốc tế.
Ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến trước khi quyết định thành lập TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Mô hình chính quyền nông thôn đang quản lý “Thiên đường”
Nếu được thông qua, TP. Phú Quốc sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số (179.480 người) của huyện đảo Phú Quốc hiện nay.
Huyện đảo Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc - thiên đường du lịch, hòn ngọc quý của Việt Nam, được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ nằm trên vùng biển Tây - Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan và Malaysia; cách TP. Hà Tiên khoảng 45 km, cách TP. Rạch Giá khoảng 120 km luôn là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Phú Quốc, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020, trong đó xác định đảo Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái đảo, biển chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ của vùng, cả nước, khu vực và quốc tế, có vị trí quan trọng về mặt an ninh và quốc phòng.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Kiên Giang, năm 2019, tổng giá trị sản xuất của Phú Quốc đạt 56.547 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 40,41%; thương mại - dịch vụ chiếm 51,90%; tổng thu ngân sách đạt hơn 5.257 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện hiện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỷ đồng; trong đó có 47 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Phú Quốc được biết đến là trung tâm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực, quốc tế với các khu du lịch hiện đại, thân thiện, an toàn; có các dịch vụ, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, triển lãm - hội nghị quốc tế lớn như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Casino Phú Quốc, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay... Nhờ đó, năm 2018, Phú Quốc đón 2,55 triệu lượt khách du lịch, năm 2019 đạt hơn 3 triệu lượt, chiếm khoảng 60% lượng khách du lịch của tỉnh Kiên Giang.
Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Phú Quốc đã tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Tân, huyện đảo Phú Quốc vẫn thực hiện quản lý hành chính nhà nước theo mô hình chính quyền nông thôn, bộ máy chính quyền hiện nay không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều vấn đề bất cập.
Các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đã làm tăng nhanh dân số cơ học trên địa bàn, điều này làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội cần tập trung giải quyết như quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện nước, nhà ở xã hội; quản lý về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội.
Việt Nam sẽ có thành phố biển đảo đầu tiên
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân, việc thành lập TP. Phú Quốc là cần thiết, nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, TP. Phú Quốc được thành lập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền ở khu vực biên giới trên biển.
Cũng theo ông Tân, việc thành lập TP. Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch tạo đà cho phát triển kinh tế xã - hội của huyện đảo Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. TP. Phú Quốc được thành lập sẽ tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm; thu hút lực lượng lao động chất lượng cao; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, có sức thu hút đầu tư mạnh mẽ từ trong và ngoài nước; thúc đẩy đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Đánh giá tác động của Đề án thành lập TP. Phú Quốc, Chính phủ cho rằng, Phú Quốc là khu vực tách biệt với đất liền, qua đó điều kiện liên hệ kinh tế thương mại với khu vực còn hạn chế. Mặt khác, một số khu vực nằm tách biệt với trung tâm kinh tế của đảo điều kiện di chuyển từ đó khó khăn hơn, nền kinh tế phát triển có đặc thù riêng mang tính chất biển đảo, do đó cần nhiều giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cân bằng.
Việc thành lập TP. Phú Quốc sẽ kéo theo những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, do hoạt động chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; sản xuất công nghiệp, xây dựng phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng. Tốc độ tăng nhanh của dân số cơ học cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ gây nên áp lực đáng kể về nhà ở, vệ sinh môi trường và bùng nổ giao thông cơ giới gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn. Do vậy, sau khi thành lập TP. Phú Quốc, cần phải định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững, giải quyết đồng bộ các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường.
Báo cáo Đánh giá tác động cũng cho rằng, sẽ có những khó khăn nhất định khi TP. Phú Quốc được thành lập. Đó là lưu lượng người nước ngoài và người từ các địa phương khác đến tham quan, du lịch, hợp tác, làm ăn, sinh sống, làm việc tại địa bàn tăng cao, đòi hỏi lực lượng công an phải tăng cường công tác quản lý trên địa bàn đối với các đối tượng cư trú, lưu trú, đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an toàn cho các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.