Khởi động dự án đường ven biển miền Tây Nam bộ

Dự án hạ tầng quan trọng nhất ở khu vực phía Nam chính là tuyến đường ven biển miền Tây dài 740 km từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Tiên. Đây là tuyến đường kết nối hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.

Theo quy hoạch, dự án đường ven biển sẽ đi qua các địa phương là TP HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Do địa hình cực kỳ phức tạp, đi qua hầu hết các cửa sông lớn giáp biển nên dự án có mức đầu tư lớn. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng theo từng phần, bắt đầu từ Tiền Giang kéo dài về phía Nam trước khi ngược lên phía Tây.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết dự án đường qua địa bàn sẽ gồm làm mới 2 đoạn đường dài gần 25 km, cùng 18 cây cầu. Quy mô đường sẽ là 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Trong đó điểm đầu tiên là nút giao cầu Mỹ Lợi đến quốc lộ 50 (Gò Công Tây, Tiền Giang), dài gần 12 km. Đoạn hai sẽ nối tiếp điểm cuối đoạn đầu đến cầu Bình Thới 1 (Bình Đại, Bến Tre), dài 13 km. Cũng theo ông Bon, dự án đang bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng với khoảng 90 ha đất. Trong khi đó, các cây cầu bắc qua sông của dự án này sẽ do Trung ương thực hiện, vì nguồn vốn đầu tư quá lớn.

Song song với việc triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng đường ở Tiền Giang, tỉnh Bến Tre cũng gấp rút hoàn thành kế hoạch triển khai dự án này. Với quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 53km, đường ven biển qua tỉnh Bến Tre sẽ đi qua 3 con sông lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long là sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn với nguồn vốn hơn 25.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đang triển khai để giải phóng mặt bằng, sẽ hoàn thành trước năm 2025 gồm đường, khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch… kết nối với các trục đường hiện hữu. So với tỉnh Tiền Giang, quy mô và ý nghĩa của dự án đường ven biển qua Bến Tre quan trọng hơn rất nhiều. Bởi tỉnh Tiền Giang có thể kết nối với các tỉnh thành khác hay TP HCM qua cao tốc, quốc lộ 1A hiện hữu thì Bến Tre chưa có các trục đường này. Khi hoàn thành, từ Bến Tre tới TP HCM sẽ chỉ khoảng 60km, trong khi hiện nay là 120km.

Trong khi đó, các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng cũng đang triển khai công tác quy hoạch dự án đường này. Thông tin từ tỉnh Sóc Trăng cho thấy dự án đường ven biển đi qua tỉnh kéo dài khoảng 53km có quy mô 4 làn đường vùng 13 cây cầu giao thông. Dự kiến sẽ nối tiếp với tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài việc rút ngắn rất nhiều quãng đường di chuyển giữa các địa phương, đường ven biển cũng giúp kích thích cả khu vực rộng lớn phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Khi hoàn thành tuyến đường bộ từ TP HCM, nhiều đô thị phía Tây Nam như Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, Sóc Trăng sẽ được rút ngắn đáng kể. Tuyến đường ven biển miền Tây Nam bộ thời gian tới sẽ là động lực lớn để thay đổi diện mạo cả vùng kinh tế rộng lớn.

Tuy nhiên, dự án cũng gặp một số khó khăn nhất định, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư. Theo số liệu từ Bộ GTVT, dù có vai trò quan trọng nhưng trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, nhóm dự án đường ven biển chưa được bố trí vốn. Việc triển khai dự án đường ven biển phụ thuộc vào các địa phương có dự án đi qua cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân.

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn