Hà Tiên - điểm đến mới sáng giá của bản đồ du lịch Việt

Sở hữu nội lực tài nguyên thiên nhiên sẵn có và sự đầu tư mạnh mẽ của địa phương, Hà Tiên nhanh chóng bứt tốc trên đường đua phát triển du lịch, trở thành địa danh mới thu hút những người yêu thích du lịch, khám phá những vùng đất mới.

Giai đoạn 2016-2020, Hà Tiên đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch/năm, giữ vững vị trí thứ 2 trong những điểm đến hút khách nhất Kiên Giang, chỉ xếp sau Phú Quốc. Sau 2 năm dịch bệnh, địa phương cũng nhanh chóng trở lại đường đua với hơn 1,6 triệu lượt khách chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng tới 117,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Gần đây nhất, chỉ tính riêng hai ngày đầu nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn đạt hơn 14.000 lượt. Trong đó, khách đến tham quan các khu du lịch 7.800 lượt, khách viếng điểm chùa gần 4.000 lượt, khách đến quần đảo Hải Tặc gần 900 lượt…

Theo nhiều chuyên gia, để có được những con số ấn tượng như vậy là nhờ tiềm năng du lịch hiếm có, kết hợp với thái độ quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng, làm mới ngành công nghiệp không khói và thu hút đầu tư vào địa phương. 

Điểm đến đa trải nghiệm hiếm có

Là 1 trong 3 mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh Kiên Giang (Phú Quốc - Hà Tiên - Rạch Giá), Hà Tiên sở hữu ưu thế kết nối tuyệt vời tới mọi điểm đến. Thành phố này chỉ cách Phú Quốc khoảng 1 giờ di chuyển qua đường biển, cách Rạch Giá 2 giờ di chuyển qua QL80. Hà Tiên cũng dễ dàng kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL như Châu Đốc, Long Xuyên (qua trục QLN1, QL91);Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau (qua QL80, QL63). 

Bên cạnh đó, Hà Tiên còn sở hữu cửa khẩu quốc tế giáp Thái Lan, Campuchia - thuận lợi phát triển các tour du lịch kết nối các tiểu vùng sông Mekong qua đường hành lang ven biển. Đây là lợi thế giúp Hà Tiên nổi bật với các khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Dải đất Hà Tiên cũng đặc biệt bởi hội tụ đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo, tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên trù phú. Người dân Hà Tiên từ lâu đã tự hào với “Hà Tiên thập cảnh”, 10 cảnh đẹp quyến rũ nên thơ được miêu tả qua hàng trăm áng thơ của những bậc thi nhân đại tài.

 Bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên - một trong những bãi biển đẹp nhất vùng Tây Nam Bộ. Nguồn: AnhnghethuatKienGiang

Đến nay, 10 điểm đến ấy vẫn là những cái tên được nhiều người du lịch tìm kiếm khi đến Hà Tiên: Tiêu tự thần chung (chùa Tam Bảo), Kim dự lan đào (núi Pháo đài), Lộc trĩ thôn cư (cảnh đẹp Mũi Nai), Nam phố trừng ba (bãi biển phía nam), Thạch Động thôn vân (thắng cảnh Thạch Động), Đông Hồ ấn nguyệt (đầm Đông Hồ), Giang Thành dạ cổ (đêm bên sông Giang Thành), Lư khê ngư bạc (xóm chài Rạch Vược), Bình San điệp thúy (núi Bình San) và Châu nham lạc lộ (thắng cảnh Đá Dựng).

Từ lợi thế tự nhiên và bề dày lịch sử, Hà Tiên đã phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch: du lịch cửa khẩu, du lịch di sản - văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản địa, du lịch tâm linh. Đến với Hà Tiên, du khách không chỉ có thể tham quan các danh thắng nổi tiếng mà còn được hoà mình vào nhiều lễ hội văn hoá nổi bật như Hội Tao Đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu, giỗ Bà Mạc Mi Cô…

Hà Tiên hội tụ mọi tiềm năng từ vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh cho tới văn hoá riêng biệt, xứng đáng là điểm đến du lịch nổi bật, nhất định phải ghé qua khi tới ĐBSCL.

Tầm nhìn và quy hoạch phát triển du lịch toàn diện

Phát huy những lợi thế sẵn có, chính quyền Hà Tiên không ngừng đầu tư phát triển du lịch một cách toàn diện, có hệ thống, hướng tới xây dựng thành phố văn hóa - du lịch, sinh thái xanh - sạch - đẹp và là trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực và quốc tế. 

 Khu đô thị lấn biển mang đến một diện mạo hiện đại mới cho thành phố Hà Tiên. Nguồn: AnhnghethuatKienGiang

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, Hà Tiên hình thành các khu đa hợp để huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mời gọi thu hút đầu tư.

Phường Mỹ Đức được định hướng phát triển khu đô thị kinh tế cửa khẩu; phường Pháo Đài và Bình San phát triển khu đô thị bảo tồn văn hóa lịch sử; phường Đông Hồ phát triển khu đô thị du lịch sinh thái; xã Tiên Hải phát triển đảo du lịch sinh thái, đặc trưng, khác biệt và tạo điểm nhấn, động lực mới cho phát triển của TP. Hà Tiên... Bên cạnh đó, khu vực ven biển phát triển khu đô thị du lịch biển đa hợp, có cảng hàng hải hứa hẹn thu hút khách du lịch cao cấp.

Hà Tiên phấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 4,4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 9.400 tỷ đồng; đến năm 2030, thu hút trên 6,4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 34.500 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố đã không ngừng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp tất cả các khu du lịch và chi đến hàng trăm tỷ đồng để trải cát trắng cho Mũi Nai, Bãi Nò.

Cộng hưởng tiềm năng sẵn có cùng nỗ lực phát triển ngành du lịch, Hà Tiên đang từng bước khẳng định vị thế đô thị du lịch hàng đầu phía Nam. Đồng thời, thành phố hứa hẹn thu hút những đơn vị tầm cỡ, có uy tín ở lĩnh vực du lịch cũng như bất động sản, tạo nên các sản phẩm chất lượng, mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Lệ Thanh

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn