Việc đầu tư mạnh cho phát triển du lịch, hạ tầng giao thông tại Hà Tiên những năm gần đây góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Hà Tiên trở thành “Phú Quốc thứ hai".
Từ sự chuyển mình của đảo ngọc Phú Quốc
Sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, thế nhưng từ những năm 2013 trở về trước, Phú Quốc là một hòn đảo hoang sơ chỉ có rừng, rẫy hồ tiêu, đất hoang không người canh tác và rất hiếm khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Cư dân tại đảo chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá, sản xuất nước mắm, trồng tiêu xanh và nuôi ngọc trai.
Trong khi đó, đảo ngọc được thiên nhiên ban tặng cho những bãi biển đẹp với 150km đường bờ biển, môi trường tự nhiên nguyên sơ, đa dạng các hệ sinh thái. Khí hậu trên đảo nóng ẩm quanh năm, ít biến động thất thường, thời tiết mát mẻ. Cũng vì vậy mà hệ sinh thái trên cạn và dưới biển của Phú Quốc luôn đa dạng và phong phú.
Chưa hết, về mặt văn hoá, Phú Quốc còn lưu giữ nhiều nét văn hoá, truyền thống của cư dân bản địa với các di tích lịch sử văn hoá và các kho tàng khảo cổ học dưới nước, có các nghề truyền thống gắn bó với biển.
Phải đến khi có sự đầu tư về hạ tầng, cùng những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, “viên kim cương thô" Phú Quốc mới bắt đầu phát sáng, thuyết phục được các nhà đầu tư đến với đảo ngọc.
Điển hình phải kể đến sự xuất hiện của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc vào tháng 12/2012, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Phú Quốc đến các trung tâm du lịch lớn của khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, TP.HCM, Hà Nội… chỉ từ 1-2 giờ đồng hồ.
Khách du lịch đổ về "đảo ngọc" tăng đột biến và đến nay vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, còn hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho các trục đường Bắc Nam, đường vòng quanh đảo, đường cáp ngầm đưa điện ra đảo…
Nổi bật trong “cuộc cách mạng" thay đổi diện mạo Phú Quốc phải kể đến quyết định thành lập Thành phố đảo, góp phần mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị, dần hiện thực hóa được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực và thế giới.
Cộng hưởng nhiều lợi thế về tự nhiên và xã hội, ngành du lịch tại Phú Quốc nhanh chóng đón đà tăng trưởng. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, khi du lịch trở lại trạng thái bình thường mới, đảo ngọc Phú Quốc đón gần 2,4 triệu lượt khách, tăng 50,1% so cùng kỳ năm ngoái và tăng 6 lần so với tổng lượt khách của cả năm 2013, thời điểm sân bay mới đi vào vận hành.
Sự phát triển về du lịch kéo theo nhiều đại dự án đổ bộ về Phú Quốc, góp phần thay đổi diện mạo của vùng đất này. Các dự án BĐS tại thành phố đảo được phát triển ở đa dạng loại hình, đáp ứng nhu cầu an cư - nghỉ dưỡng - kinh doanh của nhà đầu tư.
Giá bất động sản Phú Quốc cũng tăng vọt và trở thành "tấc đất tấc vàng". Trong khuôn khổ toạ đàm “Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới”, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra con số đáng chú ý, đó là tăng trưởng về giá BĐS du lịch tại Phú Quốc đạt trên 15%/năm, còn với BĐS đô thị và nhà ở, giai đoạn 2015 - 2019, giá đất ở tại Phú Quốc tăng trưởng hơn 50%/năm. Thời điểm hiện tại, mức độ tăng trưởng là hơn 20%/năm.
… đến hành trình “dọn tổ đón đại bàng” về Hà Tiên
Câu chuyện chuyển mình của Phú Quốc những năm gần đây khiến nhiều người liên tưởng đến bức tranh đầy lạc quan của thị trường Hà Tiên trong tương lai.
Được đánh giá không thua kém “người anh em” Phú Quốc, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng như Thạch Động, Đá Dựng, Tô Châu, Pháo Đài cho đến những bãi biển như bãi Mũi Nai, bãi Nò, bãi Dương và khung cảnh lãng mạn của đầm Đông Hồ.
Đặc biệt, quần đảo Hải Tặc cách đất liền 20km tại Hà Tiên còn lưu giữ những nét đẹp hoang sơ, môi trường trong lành, thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, biển đảo. Không chỉ vậy, đặt chân đến Hà Tiên, du khách còn có cơ hội trải nghiệm các lễ hội văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng như Lăng Mạc Cửu, chùa Tam Bảo.
Hà Tiên được chọn là cửa ngõ giao thương quốc tế với Campuchia và Thái Lan thông qua tuyến hành lang ven biển Việt - Cam - Thái. Vị trí cửa khẩu không chỉ mang ý nghĩa về mặt thương mại mà còn hình thành tour du lịch kết nối các nước tiểu vùng sông Mê Kông với thành phố, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Tiên để khám phá, trải nghiệm.
Du lịch biển, du lịch văn hoá, tâm linh và du lịch cửa khẩu – hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố, Hà Tiên đặt mục tiêu mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm thành phố thu hút khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, du lịch, trong đó khách quốc tế 54.000 lượt.
Con số này hoàn toàn khả thi bởi tính trong 10 tháng đầu năm 2022, TP Hà Tiên đã đón trên 3,2 triệu lượt khách du lịch. Đây được xem là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch TP Hà Tiên sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, TP Hà Tiên tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng phát triển du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và hội nhập quốc tế trong lịch vực du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…
Với hơn 4 tỷ USD cùng 38 dự án gồm cầu đường, cao tốc,… sẽ được rót vào hạ tầng ĐBSCL, trong đó, đa số các dự án quan trọng đều có mạch kết nối trực tiếp đến TP Hà Tiên, đây được xem là bước đệm để thành phố vùng biên "chuyển mình ngoạn mục".
Với sự đầu tư bài bản về hạ tầng cùng chính sách thu hút đầu tư, tốc độ phát triển du lịch, tiềm năng tăng giá của bất động sản Hà Tiên sẽ không thua kém thành phố đảo Phú Quốc. Đặc biệt, những sản phẩm mang tính thương mại, đa công năng vừa ở, vừa kinh doanh giúp tối ưu dòng vốn nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, trong 2-3 năm tới khi hạ tầng hoàn thiện, du lịch phát triển theo đúng lộ trình của tỉnh, cùng sự xuất hiện của các dự án ở đa dạng loại hình, bất động sản tại Hà Tiên sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, gia tăng tài sản cho nhà đầu tư sớm nắm bắt cơ hội.
BẢO ANH