Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng về diễn biến của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Đưa ra đánh giá về triển vọng của thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản nói: “Ở góc độ quản lý Nhà nước, tôi cho rằng, năm 2020 nhìn chung thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Cơ sở kinh tế, cơ sở thực tiễn đều khẳng định rằng bất động sản 2020 không thể đi xuống. Nhưng phải xác định phân khúc nào phát triển, phân khúc nào ổn định, hay phân khúc nào cần phải điều chỉnh”.
Theo ông Khởi, năm 2020 sẽ có những điều chỉnh rất lớn từ Nhà nước. Khi có những chính sách điều chỉnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay các nhà đầu tư cũng phải theo đó mà điều chỉnh.
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2020 sẽ được trình Quốc hội theo chiều hướng tháo gỡ giúp doanh nghiệp phát triển chứ không phải hạn chế, cản trở. Trong đó có các vấn đề về NƠXH, nhà ở giá thấp, từ 25 triệu đồng/m2 trở xuống là rất thiếu, đặc biệt là ở các tỉnh và thành phố loại 1.
“Năm nay nguồn cung sản phẩm ít là do nhiều dự án phải tạm dừng để điều chỉnh. Cơ quan chúng tôi cũng đang tiếp nhận rất nhiều dự án nộp đơn để xin điều chỉnh cơ cấu, thậm chí điều chỉnh từ condotel sang nhà ở. Đầu năm 2020, bất động sản du lịch sẽ thêm phát triển”, ông Khởi nói.
Các phân khúc đều còn dự địa lớn
Cùng đưa ra nhận định, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO Group nêu: “Nếu nói năm 2020 là chỉ dành cho phân khúc du lịch thôi, tôi nghĩ điều này đúng nhưng chưa toàn diện. Các phân khúc của chúng ta đều còn dư địa lớn. Chúng ta có gần 100 triệu dân, dân số trẻ; độ tuổi từ 15 trở lên có đến 55 triệu người, có 26 triệu hộ gia đình. Tầng lớp trung lưu có 30 triệu dân, dự kiến tăng lên 40 triệu vào năm 2025. Sức mua và nhu cầu nhà ở rất lớn, các phân khúc đều có cơ hội. Thu nhập của người dân ngày càng cao, nên nhu cầu về nhà ở sẽ ngày càng tăng trong những năm tới”.
Theo ông Bình, sở dĩ năm 2019 bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch là điểm nhấn là vì thời gian qua, dòng tiền chuyển dịch mạnh mẽ, dòng vốn chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc đi nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Xu hướng của các nhà đầu tư FDI và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp dịch vụ bất động sản thì quy mô sẽ nhỏ hơn để an toàn hơn. Chúng ta sẽ khai thác ngoại lực này thành những lợi thế, bất động sản công nghiệp sẽ phát triển mạnh.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn thúc đẩy du lịch phát triển. Từ đó bất động sản du lịch sẽ rất phát triển. Bởi dư địa du lịch còn nhiều. Những năm qua du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nếu nhìn vào Top 4 Asean thì chúng ta chưa là gì cả. Chi tiêu bình quân các nước là trên 1.000 USD còn tại Việt Nam mới chỉ khoảng 800 - 900 USD”, ông Bình nói.
VÂN PHONG