TP Hà Tiên sẽ là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040.
Theo đó tổng diện tích trong phạm vi nghiên cứu khoảng 34.800 ha bao gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố gồm 5 phường, 2 xã và phần diện tích mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã, phường thuộc phần đất liền của thành phố để nghiên cứu định hướng lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo. Là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 193.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.726 ha. Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm. Đô thị phát triển đa hướng với các hướng phát triển chủ đạo dựa trên các tuyến quốc lộ 80, N1, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến đường thủy dọc theo sông Giang Thành, kênh Vĩnh Tế và kênh Hà Tiên - Rạch Giá, tuyến đường vành đai kết nối trực tiếp khu vực cửa khẩu Hà Tiên với vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng các tuyến đường vượt biển phía Nam và phía Bắc Hà Tiên, gắn kết các quần đảo nhân tạo, khu vực sân bay chuyên dùng, các khu vực cảng biển với các khu vực đô thị hiện hữu và phụ cận.
Không gian thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được chia thành 8 khu vực phát triển với tổng diện tích khoảng 21.432 ha.
Định hướng phát triển ngắn hạn, đến năm 2030: Tập trung phát triển khu vực nông nghiệp, các khu vực vành đai xanh được phát triển theo hướng chuyển đổi sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất với quy mô lớn, gắn với các quần cư nông thôn; sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Chú trọng du lịch biển đảo gắn với nuôi biển, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn.
Định hướng phát triển dài hạn, đến năm 2040 sẽ tập trung bảo vệ và nâng cao chất lượng về môi trường, cảnh quan khu vực không gian xanh, nông nghiệp, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa.
Trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2040, tập trung phát triển các chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên theo quy mô diện tích 1.600 ha.
Các khu vực chức năng khác gồm: Dịch vụ hỗ trợ khách sạn và du lịch; thương mại logistics hiện đại; dịch vụ thương mại, kinh doanh điện tử xuyên quốc gia...
Để đáp ứng yêu cầu phát triển sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô Khu kinh tế theo quy định, bảo đảm đồng bộ và thống nhất với định hướng phát triển thành phố Hà Tiên.
Hà Tiên được phát triển trên nền tảng không gian di sản, trong quá trình phát triển đô thị, cần xây dựng, tích hợp các công trình văn hóa, bảo tàng, tái tạo di sản đóng vai trò kết nối, làm phương tiện quảng bá, phát triển kinh tế di sản; đồng thời cần có các quy định giảm thiểu tác động tiêu cực đến sinh thái cảnh quan tại các khu vực di sản và hệ thống mặt nước, dòng chảy lâu đời khác.
Phát triển không gian du lịch tại thành phố Hà Tiên được định hình trên cơ sở các không gian tự nhiên và nhân tạo trên nền tảng bảo tồn bền vững di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử gắn với các giải pháp tổ chức không gian các khu vực, tạo động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển.
Cũng theo đồ án, đến năm 2030 xây dựng 8 nhóm công trình cấp thành phố gồm cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; 7 trung tâm vận tải logistics lưu động; 3 bến xe khách; 3 cảng biển hỗn hợp; 2 quân cảng hỗn hợp (cảng tàu quân sự và cảng tàu biên phòng); 5 cảng sông; 1 cảng cá Đông Hồ; 2 nhóm công trình cấp toàn đô thị gồm 8 bến du thuyền; 27 bãi đậu xe, cơ sở dịch vụ vận tải.
Quy hoạch giao thông Hà Tiên đến năm 2040, được xây dựng trên cơ sở hệ thống giao thông đa phương tiện. Các trung tâm dịch vụ vận tải phải được gắn với các dịch vụ thương mại, du lịch và hậu cần (logistics) phải có không gian đáp ứng các loại hình giao thông nêu trên.
Quy hoạch chung đến năm 2040 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch liên quan.